Bây giờ thì bạn đã có khái niệm về sức mạnh não bộ, chúng ta hãy bắt đầu tìm hiểu phương pháp Học Siêu Đẳng đầu tiên – phương pháp đọc để nắm bắt thông tin. Trước khi bạn có thể ghi chú, học thuộc lòng hoặc ôn lại bài, việc đầu tiên bao giờ bạn cũng phải làm là đọc sách giáo khoa và tài liệu môn học để nắm được những thông tin cần thiết, quan trọng. Như thế, bạn mới luôn chắc chắn đạt điểm cao trong các kỳ thi. Việc học “tủ” hay học “vẹt” là hoàn toàn không nên.
Đáng tiếc là đa số học sinh không đọc sách giáo khoa và tài liệu môn học nhằm mục đích nắm bắt thông tin. Họ nghĩ rằng việc đọc sách chỉ giúp họ hiểu thêm bài giảng hoặc biết thêm kiến thức mới. Sau đó, họ thường chỉ cố đọc lại các tài liệu môn học trong thời gian ôn thi để cố gắng ghi nhớ mọi thứ (học “vẹt”) hoặc chọn học chỉ một số phần mà họ cho là quan trọng (học “tủ”). Nếu bạn học theo kiểu này, khi kỳ thi đến gần, bạn sẽ thấy mình chìm ngập trong đống bài vở do học “vẹt”, hoặc bước vào kỳ thi với tâm lý cực kì căng thẳng do học “tủ”.
MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC ĐỌC SÁCH HIỆU QUẢ LÀ ĐỂ NẮM BẮT VÀ HIỂU THÔNG TIN
LÀM CÁCH NÀO ĐỂ GIẢM 80% THỜI GIAN HỌC NHƯNG VẪN NHỚ VÀ HIỂU BÀI NHIỀU HƠN
Nhìn chung, trong bất kỳ quyển sách giáo khoa nào, chỉ có 20% trong tổng số từ chứa đựng những thông tin bạn cần để thu hoạch toàn bộ kiến thức của môn học, đảm bảo giành điểm cao trong kỳ thi. Những từ này gọi là từ khóa. Từ khóa bao gồm các danh từ, động từ, phó từ và tính từ. Một sự thật đáng kinh ngạc là 80% số từ còn lại không hề bao hàm thông tin hữu ích nào. Những từ thứ yếu này thường là những từ nối, ví dụ: “là”, “của”, “những”, “có”, “với”, và rất nhiều phụ từ khác. Vậy nếu những từ này không mang lại ý nghĩa quan trọng gì, chúng giữ vai trò gì trong quyển sách? Mục đích duy nhất của chúng là liên kết những từ khóa với nhau nhằm tạo thành các câu văn hoàn chỉnh. Chúng chỉ mang lại lợi ích là giúp bạn hiểu được những gì được viết trong lần đọc và học đầu tiên, còn trong những lúc bạn cần học thuộc hoặc ôn lại thông tin, những từ này chỉ làm mất thời gian và phí phạm trí nhớ của bạn.
41 300x161 LÀM CÁCH NÀO ĐỂ GIẢM 80% THỜI GIAN HỌC NHƯNG VẪN NHỚ VÀ HIỂU BÀI NHIỀU HƠN
PHƯƠNG PHÁP ĐỌC HIỆU QUẢ LÀ TẬP HỢP NHỮNG TỪ KHÓA
Để học hiệu quả, bạn phải hiểu rằng bạn chỉ cần đọc qua toàn bộ sách giáo khoa hoặc tài liệu môn học một lần duy nhất. Trong khi đọc, bạn phải tách ra được cái “cốt lõi” hoặc “thông tin” dưới dạng ý chính và từ khóa.
Sau đó, bạn chỉ ghi chú những ý chính và từ khóa (dưới dạng Sơ Đồ Tư Duy) để dành cho việc ôn lại sau này. Bạn có thể bỏ qua 80% những từ thứ yếu còn lại. Trong lần ôn bài sắp tới, bạn chỉ việc ôn lại 20% từ khóa trong Sơ Đồ Tư Duy là có thể nắm được 100% thông tin của môn học. Bạn đã giảm bớt được 80% thời gian học mà vẫn đạt hiệu quả cao nhất.
Việc tập hợp những từ khóa trong sách giáo khoa giống như việc thu nhặt những hạt gạo từ cánh đồng lúa mênh mông. Có thể mất nhiều thời gian lúc đầu để thu lượm chúng và sàng lọc ra những hạt gạo trắng ngần. Tuy nhiên, sau khi việc này hoàn tất, chúng ta chỉ cần ăn số gạo đó, vì chúng chính là tinh chất từ cánh đồng mang lại nguồn năng lượng cần thiết. Nếu bạn thấy việc ăn nguyên một bó lúa thay vì một chén cơm thật là nực cười, thì việc bạn cố gắng ghi nhớ từng từ trong sách thay vì các từ khóa cũng thế thôi.
42 300x118 LÀM CÁCH NÀO ĐỂ GIẢM 80% THỜI GIAN HỌC NHƯNG VẪN NHỚ VÀ HIỂU BÀI NHIỀU HƠN
MINH HỌA VỀ TÍNH HIỆU QUẢ CỦA TỪ KHÓA
Tôi sẽ chỉ cho bạn thấy sức mạnh của từ khóa. Bạn hãy đọc đoạn văn gồm 103 từ dưới đây.
Đã từ lâu, người ta biết rằng bộ não của con người có thể được chia ra làm hai phần. Phần não trái và phần não phải. Người ta cũng biết rằng não trái điều khiển phần bên phải của cơ thể, trong khi đó ngược lại, não phải điều khiển phần bên trái cơ thể. Bên cạnh đó, người ta cũng phát hiện rằng việc não trái bị hư tổn sẽ gây ra nửa phần cơ thể bên phải bị tê liệt. Tương tự, nếu như não phải bị hư tổn sẽ khiến nửa phần cơ thể bên trái bị tê liệt.
Sau khi đọc xong đoạn văn trên, bộ não của bạn sẽ nắm được một số thông tin từ nội dung đoạn văn. Tuy nhiên, không phải tất cả các từ trong đoạn văn đều góp phần mang lại lượng thông tin đó. Thông tin chỉ nằm trong các từ khóa được gạch dưới sau đây.
Đã từ lâu, người ta biết rằng bộ não của con người có thể được chia ra làm hai phần. Phần não trái và phần não phải. Người ta cũng biết rằng não trái điều khiển phần bên phải của cơ thể, trong khi đó, ngược lại não phải điều khiển phần bên trái cơ thể. Bên cạnh đó, người ta cũng phát hiện rằng việc não trái bị hư tổn sẽ gây ra nửa phần cơ thể bên phải bị tê liệt. Tương tự, nếu như não phải bị hư tổn sẽ khiến nửa phần cơ thể bên trái bị tê liệt.
Nếu bạn phải đọc những từ khóa thôi, bạn có thể hiểu được toàn bộ thông tin không? Hãy đọc đoạn văn kế tiếp để tìm lời giải đáp.
… não người chia hai phần … não trái não phải … não trái điều khiển bên phải cơ thể … não phải điều khiển bên trái cơ thể … não trái hư tổn, cơ thể bên phải tê liệt … não phải hư tổn, cơ thể bên trái tê liệt.
Tôi chắc chắn rằng chỉ cần đọc lại những từ khóa trên, bạn vẫn nắm được toàn bộ thông tin. Không một thông tin nào bị bỏ lỡ. Tuy nhiên, việc đọc các từ thứ yếu chiếm phần lớn trong đoạn văn không mang lại thông tin bổ ích nào.
Đã từ lâu, người ta biết rằng bộ … của con … có thể được … ra làm …. Phần…và phần… Người ta cũng biết rằng … phần … của …, trong khi đó, ngược lại … phần …. Bên cạnh đó, người ta cũng phát hiện rằng việc … bị … sẽ gây ra nửa … bị …. Tương tự, nếu như … bị … sẽ khiến nửa phần … bị …
Bao nhiêu thông tin bạn có được khi đọc những từ thứ yếu đó? Câu trả lời là hầu như không gì cả. Vậy mà những từ thứ yếu này lại chiếm phần lớn từ ngữ trong đoạn văn ban đầu. Điều này cho thấy mỗi khi bạn học thuộc bài một cách mù quáng, bạn thật sự đang phung phí một phần lớn thời gian hết sức vô ích. Chưa kể đến việc cố gắng ghi nhớ quá nhiều từ thứ yếu sẽ làm bạn bị sao nhãng khỏi những thông tin quan trọng. Đó là lý do tại sao một số học sinh học rất chăm chỉ nhưng vẫn không đạt kết quả như ý. Trong phần tiếp theo ở chương này, bạn sẽ được học cách đọc hiệu quả để tập hợp những từ khóa cần thiết vào Sơ Đồ Tư Duy.