Sau khi tìm hiểu hàng ngàn học sinh giỏi, tôi phát hiện ra một kỹ năng chung mà họ sử dụng trong học tập. Đó là việc họ luôn ghi chú theo nhiều cách phù hợp với từng cá nhân. Nhiều học sinh nói với tôi rằng những ghi chú này nắm giữ bí quyết thành công của họ. Khi tôi hỏi tại sao, họ nói rằng ghi chú giúp họ sắp xếp kiến thức theo một cách riêng dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Ghi chú cũng giúp họ giảm thời gian ôn bài vì trong đó chỉ chứa đựng những thông tin quan trọng họ cần phải nhớ.
Nói một cách khác, có ba lý do chính tại sao bạn phải ghi chú:
Ghi chú giúp bạn tiết tiệm thời gian
Ghi chú giúp bạn tăng khả năng nhớ bài
Ghi chú giúp bạn hiểu bài tốt hơn
PHƯƠNG PHÁP GHI CHÚ KIỂU TRUYỀN THỐNG CÓ PHẢI LÀ TỐT NHẤT?
Sau khi xem qua các ghi chú của rất nhiều học sinh, tôi khám phá ra rằng 95% học sinh ghi chú theo kiểu truyền thống. Ghi chú theo kiểu truyền thống là ghi chú thành từng câu, thường là từ trái sang phải. Có hai dạng ghi chú kiểu truyền thống cơ bản.
DẠNG 1
Dạng đầu tiên của ghi chú kiểu truyền thống được tạo ra từ các đoạn văn trong sách. Dạng ghi chú này giống như một quyển sách thứ hai nhưng khác một chỗ là nó chỉ tổng hợp các khái niệm quan trọng. Ví dụ:
Ba Trạng Thái Vật Chất
Vật chất có ba trạng thái: rắn, lỏng và khí.
Ở trạng thái rắn, các phân tử được sắp xếp sát nhau tạo thành một hình dạng cụ thể. Giữa các phân tử có những lực hút mạnh mẽ giúp chúng cố định vị trí. Nhờ vậy, các phân tử riêng biệt chỉ có thể dao động xung quanh vị trí cố định đó.
Ở trạng thái lỏng, các phân tử nằm cách nhau khá xa và không hình thành một hình dạng cụ thể nào. Các lực hút giữa chúng yếu hơn và do đó, các phân tử không nằm ở vị trí cố định. Chúng có thể thay đổi vị trí với nhau.
Ở dạng khí, các phân tử còn nằm cách xa nhau nhiều hơn. Chúng di chuyển với tốc độ cao và va chạm vào nhau.
DẠNG 2
Cách thức ghi chú kiểu truyền thống thứ hai thường được gọi là viết dưới dạng nhiều phần mục. Ở dạng này, các đoạn văn hoặc các câu văn ngắn được đánh số và sắp xếp theo trình tự. Mỗi câu văn chứa đựng một ý chính liên quan cần được học. Ví dụ:
Ba Trạng Thái Vật Chất
I. Trạng Thái Rắn
Phân tử được sắp xếp sát nhau, tạo thành một hình dạng cụ thể.
Lực hút giữa các phân tử giữ chúng tại vị trí cố định.
Phân tử dao động xung quanh vị trí đó.
II. Trạng Thái Lỏng
Phân tử không được sắp xếp theo một hình dạng cụ thể và ở cách xa nhau.
Phân tử không được giữ cố định tại chỗ.
Phân tử có thể di chuyển xung quanh. Do đó, chất lỏng có thể chảy.
III. Trạng Thái Khí
Phân tử ở cách nhau rất xa.
Phân tử di chuyển với tốc độ cao và va chạm vào nhau.
Mặc dù phương pháp ghi chú kiểu truyền thống là phương pháp chúng ta được dạy và được hầu hết (95%) các học sinh sử dụng, chúng ta phải tự hỏi liệu phương pháp này có thật sự hiệu quả không. Thực tế chứng minh rằng, khi tất cả mọi người cùng làm theo một cách nào đó, không có nghĩa đó là cách tốt nhất.