Một trong những lý do học sinh thường dùng để biện minh cho việc học kém của mình là do họ có trí nhớ kém. Thật vậy, nhiều học sinh hiểu bài cặn kẽ và có khả năng trả lời các câu hỏi trong bài thi, nhưng đầu óc họ cứ trống rỗng mỗi khi họ phải làm bài trong một khoảng thời gian giới hạn. Kết quả là điểm số mà họ đạt được không phản ánh đúng khả năng thật sự của họ.
May mắn thay, hiện nay, nhiều hệ thống giáo dục trên thế giới (bao gồm cả Việt Nam) đang dần dần từ bỏ việc ra bài thi hoàn toàn dựa trên việc học thuộc lòng, để chuyển sang việc ra bài thi thiên về đánh giá khả năng suy nghĩ, áp dụng kiến thức của học sinh nhiều hơn. Tuy nhiên, việc ra bài thi thiên về phân tích và áp dụng kiến thức nhiều hơn không hề làm giảm tầm quan trọng của trí nhớ. Lý do là vì trước khi bạn có thể lập luận áp dụng kiến thức, bạn vẫn phải nhớ những kiến thức cơ bản mà bạn đã học.
Thông thường, những kỳ thi “mở” cho phép học sinh được mang theo sách và tài liệu vào phòng thi đem lại cảm giác tự tin giả tạo cho thí sinh. Hầu hết thí sinh đều nghĩ rằng trong các kỳ thi “mở” như thế, họ không cần phải nhớ bài vì họ có thể xem lại các dữ kiện trong phòng thi. Tiếc thay, trên thực tế, bạn không có đủ thời gian để làm việc đó. Khả năng nhớ được kiến thức mà không cần phải mở sách trở nên hết sức quan trọng là vì thế.
NĂNG KHIẾU VỀ TRÍ NHỚ
Nhiều học sinh có ý nghĩ sai lầm rằng khả năng ghi nhớ tốt là năng khiếu hoặc tài năng mà một số người có, một số người không. Những người nghĩ họ không có trí nhớ tốt từ bỏ việc cố gắng nhớ đầy đủ thông tin vì họ nghĩ họ sẽ quên hết chúng. Hậu quả chắc chắn là việc có trí nhớ kém nghiễm nhiên trở thành lý do mà họ dùng để biện hộ cho thất bại. Cứ như thế, họ sẽ luôn luôn nhận lãnh những kết quả kém.