Chào Mừng Bạn Đến Với SuperStars9/9 . Hãy đăng ký để kết nạp thành viên của Diễn Đàn !!!
Lưu ý :
- Bạn Nên kiểm tra thư mỗi ngày
- Bạn nên mở web bằng Google Chrome
- Sau khi đăng kí bạn phải vào ymail ( mà bạn mới đăng kí) để kích hoạt tài khoản của bạn trong diễn đàn...
- Khung Đăng Nhập ở chính giữa của Forum
- Hãy Đăng Nhập để đăng Bài Viết
♀♂♥ღஐ:._ ( FAMILY 9/9 ) _.:ღஐ♥♀♂
Chào Mừng Bạn Đến Với SuperStars9/9 . Hãy đăng ký để kết nạp thành viên của Diễn Đàn !!!
Lưu ý :
- Bạn Nên kiểm tra thư mỗi ngày
- Bạn nên mở web bằng Google Chrome
- Sau khi đăng kí bạn phải vào ymail ( mà bạn mới đăng kí) để kích hoạt tài khoản của bạn trong diễn đàn...
- Khung Đăng Nhập ở chính giữa của Forum
- Hãy Đăng Nhập để đăng Bài Viết
» Nếu đây là lần đầu tiên bạn tham gia diễn đàn, xin mời bạn xem phần hỏi / đáp để biết cách dùng diễn đàn. » Để có thể tham gia thảo luận, các bạn phải đăng ký làm thành viên. Bấm vào đây để đăng ký.
♥ Lời nhắn: ..............It's not about the money, money, moneyWe don't need your money, money, moneyWe just wanna make the world dance,Forget about the Price Tag !
♥ Nhấn nút PLAY > để nghe nhé !!♥
Số Người Truy Cập Diễn Đàn SuperStars99
Phân tích truyện "an dương vương và mị châu - trọng thủy"
Tue Sep 18, 2012 7:46 am
[Lớp 9/9] - Admin
Họ Và Tên : Mạnh †ùng Giới tính : Tổng Số Bài Gửi : 133 Sinh Nhật : 04/09/1997 Tuổi : 27 Đến từ : Thế Giới Bên Kia Job/hobbies : Rút Hầm Cầu Huy Chương :
Tiêu đề: Phân tích truyện "an dương vương và mị châu - trọng thủy"
Tiêu Đề : Phân tích truyện "an dương vương và mị châu - trọng thủy"
Tác Giả : Admin
SuperStars - Kết Nối Cộng Đồng Lớp 9/9 --------------------------------------------------
Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng thuỷ là một trong những truyền thuyết tiêu biểu hấp dẫn và có ý nghĩa nhất trong chuỗi truyền thuyết về Âu Lạc và An Dương Vương trong kho tàng văn học dân gian phong phú của dân tộc ta. Trong tác phẩm, bằng chí tưởng tượng phong phú, kết hợp giữa những yếu tố hư cấu với các yếu tố lịch sử, ông cha ta đã đưa ra cách lí giải của riêng mình về nguyên nhân mất nước Âu Lạc; bày tỏ tình cảm, thái độ và cách đánh giá về An Dương Vương, Trọng Thuỷ, Mị Châu, những nhân vật của một thời kì lịch sử. Đồng thời, thông qua tác phẩm, ông cha ta cũng để lại những bài học lịch sử cho con cháu muôn đời trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
1, Về nhân vật An Dương Vương.
a, Công lao, vài trò của An Dương Vương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Âu Lạc.
An Dương Vương vừa là một vị vua có thực trong cổ sử Việt Nam, vừa là nhân vật gắn với nhiều hư cấu li kì trong truyền thuyết. Truyền thuyết kể lại rằng, Hùng Vương thứ 18 thấy Thục Phán là người có tài, nghĩ mình không có con trai, nên theo lài khuyên của Sơn Tinh đã truyền lại ngôi báu cho Thục Phán. Cũng theo truyền thuyết, sau khi được truyền ngôi báu, An Dương Vương đã dời đô từ vùng núi Nghĩa Lĩnh về vùng đồng bằng Cổ Loa. Việc làm đó đã thể hiện ý chí và quyết sách sáng suốt của An Dương Vương, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của nhà vua. (Bởi về đồng bằng là xu thế tất yếu trong sự phát triển của đất nước. Đồng bằng với đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi đào, thuận lợi cho việc trồng lúa nước. Đồng bằng với sông ngòi ngang dọc trùng xếp, đi thuyền, đi bộ đều dễ dàng. Nếu nội lực chưa đủ mạnh thì rừng núi hiểm yếu chính là chỗ dựa an toàn nhất, nhưng muốn phát triển thì rừng núi không phải là nơi đắc địa.)
Dời đô là quốc sách, nhưng cũng có nghĩa là phơi lưng ra giữa đồng bằng, thách thức đối phương. An Dương Vương thấy trước mối đe doạ đó, nên ngay sau khi quyết định dời đô về giữa Cổ Loa trống trải, người đã cho xây thành đắp lũy, sẵn sằng phòng thủ giặc ngoại xâm. Công việc xây thành của nhà vua gặp rất nhiều khó khăn, thành “hễ cứ đắp tới đâu lại lở tới đấy”, “tốn nhiều công sức mà không thành” nhưng với lòng yêu nước, với bản lĩnh vững vàng, không sợ khó, sợ khổ, không nản chí trước thất bại tạm thời, nhà vua đã không bỏ cuộc mà kiên trì, quyết tâm xây thành giữ nước. Việc An Dương Vương lập đàn trai giới cầu đảo bách thần, việc nhà vua đón mời cụ già có tướng lạ vào điện hỏi kế sách, ra tận cửa Đông đón xứ Thanh Giang , dùng xe bằng vàng rước Rùa Vàng vào thành đã thể hiện quyết tâm đó của nhà vua.
Được sự giúp đỡ của Rùa Vàng, An Dương Vương đã xây được Loa Thành kiên cố, là thành trì vững chắc để chống lại kẻ thù xâm lược. Tuy nhiên, tồn tại ngay giữa đồng bằng vắng vẻ, hơn ai hết An Dương Vương là người hiểu rõ, có thành cao hào sâu cũng chưa chắc giúp được Âu Lạc đã chống lại được kẻ thù nếu như không có vũ khí lợi hại. Đó cùng là điều mà nhà vua băn khoăn nhất sau khi xây được Loa Thành. Cảm động trước tấm lòng vì dân, vì nước của nhà vua, Rùa Vàng đã cảm động tháo vuốt của mình cho An Dương Vương để làm lẫy nỏ thần. Vua lại sai Cao lỗ lào nỏ, lấy vuốt rùa làm lẫy thành nỏ thần có sức mạnh ghê gớm. Nhờ có Quỷ Long Thành- một hệ thống phòng thủ vô cùng kiên cố, có “Linh quang Kim thần cơ”, một loại vũ khí tấn công từ xa hiệu nghiệm, An Dương Vương đã đánh tan quân Triệu Đà khi chúng sang xâm lược Âu Lạc, khiến chúng thua lớn “chạy về Trâu Sơn đắp luỹ không dám đối chiến, bèn xin hoà”.
Phản ánh các sự kiện lịch sử có liên quan tới An Dương Vương trong truyền thuyết, nhân dân ta đã phần nào kì ảo hoá các yếu tố lịch sử khách quan. Và chính việc sáng tạo nên những yếu tố kì ảo đan xen với các yếu tố lịch sử đã khiến cho câu chuyện thêm lung linh, kì ảo, tăng trính khái quát , ý nghĩa biểu trưng của các chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm. Chi tiết nhà vua xây thành được rùa vàng giúp đỡ, chi tiết rùa vàng cho vuốt để An Dương Vương chế tạo nỏ thần đã khẳng định việc làm của An Dương Vương được làng dân, hợp lòng trời nên được cả thần và người cùng giúp đỡ. Đó là một cách để nhân dân ta ngợi ca công đức của nhà vua, tự hào về những chiến công và thành tựu của nhân dân thời Âu Lạc.
Như vậy ở phần đầu của tác phẩm, với vị trí là vua nước Âu Lạc, là người lãnh đạo cao nhất của một quốc gia, An Dương Vương đã khẳng định vai trò và công lao to lớn của mình trong buổi đầu xây dựng và bảo vệ đất nước. Là một vị vua yêu nước, luôn có tinh thần trách nhiệm trước đất nước, nhà vua xứng đáng được nhân dân đời đời mến phục ngợi ca.
b, Trách nhiệm của An Dương Vương trước bi kịch nước mất, nhà tan.
Bi kịch nước mất, nhà tan là trọng tâm trong phần thứ hai của tác phẩm. Trong phần này, tác giả dân gian tập trung phản ánh và khắc hoạ những nguyên nhân dẫn tới việc mất nước Âu Lạc và thể hiện thái độ, tình cảm của mình trước trách nhiệm của mỗi nhân vật liên quan.
Về phía An Dương Vương, nhà vua là người xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm, là người có công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước nhưng cũng mắc sai lầm nghiêm trọng, là một trong những nguyên nhân chính đẩy Âu Lạc rơi vào thảm kịch ngàn năm Bắc thuộc, lịch sự không thể tha thứ.
Khi đánh giá trách nhiệm của An Dương Vương trong sự thất bại của Âu Lạc, một số người cho rằng, An Dương Vương sai lầm ngay từ khi nhận lời cầu hôn của Triệu Đà, gả con gái mình cho con trai hắn. Nhà vua đã chủ quan, mơ hồ không nhận rõ âm mưu của kẻ thù xâm lược. Nhưng trong lịch sử Việt Nam và thế giới cũng đã có không ít những cuộc hôn nhân chính trị như vậy mà mục đích thtường là để mang lại sự bình an cho đất nước. Xưa, nhà Hán ở Trung Quốc có Chiêu Quân cống Hồ,. Sau này, ở nhà Trần Việt Nam có Huyền Trân công chúa được gả cho vua Chiêm Thành,... Như vậy có thể nói, trong chính trị, hôn nhân nhiều khi chính là giao ước liên minh trong hoà bình, nhất là khi đó Âu Lạc đã từng trải qua nhiều năm chiến tranh, một cuộc hôn nhân làm giảm bớt lửa binh đao chẳng phải là hay hơn cho cư dân hai nước? An Dương Vương nhận lời cầu hôn của cha con Triệu Đà ccó lẽ cũng vì hi vọng xây dựng một liên minh tốt đẹp trong hoà bình. Tiếc rằng liên minh đó đã không thành bởi An Dương Vương thực lòng còn cha con Triệu Đà lại có sẵn âm mưu xâm lược.
Một số người khắc lại cho rằng, An Dương Vương gả con gái mình cho Trọng Thuỷ, lại nhận lời cho Thuỷ ở rể Âu Lạc là “nuôi ong tay áo”. Đó là sự mất cảnh giác trầm trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ thù tự do vào thám thính đất nước. Nhưng từ xưa đến nay nhiều tộc người trên mảnh đất Việt Nam này từng có phong tục trọng mẫu, đàn ông lấy vợ phải ở rể bên nhà vợ. Phải chăng vì phong tục đó mà Trọng Thuỷ có thể điềm nhiên sang ở nhà vợ - nước Âu Lạc, mà việc đó không bị coi là khác thường? An Dương Vương đã nhận lời cầu hôn của người phương Bắc thì cũng không thể tránh được việc phải làm theo phong tục phương Nam, nhận rể ở ngay trong nhà mình. Nhưng nếu cho Trọng Thuỷ ở rể mà cả cha con An Dương Vương đều cảnh giác, giữ kín bí mật quốc gia thì liệu âm mưu của cha con Triệu Đà có điều kiện thực hiện được không? Vậy sai lầm của An Dương Vương nghiêm trọng từ đâu? Nguyên nhân nào đã đưa Âu Lạc đến diệt vong và cha con An Dương Vương bị “tan đàn, xẻ nghé”? Có thể nói, sai lầm nghiêm trọng nhất của An Dương Vương là nhà vua đã quá chủ quan, khinh địch. Nhà vua không những đã không giám sát, đề phòng Trọng Thuỷ khi hắn ở rể Âu Lạc mà khi hay tin Đà phát binh đánh Âu Lạc, An Dương Vương ỷ vào sức mạnh của nỏ thần, vẫn điềm nhiên ngồi đánh cờ, chủ quan tự mãn, cười mà nói rằng: “Đà không sợ nỏ thần sao? Những sai lầm nghiêm trọng của người đứng đầu đất nước không còn cơ hội sửa chữa. An Dương thảm bại. Nước Âu Lạc rơi vào tay Triệu Đà, muôn dân chìm đắm trong kiếp nô lệ lầm than. Sự nghiệp dựng nước, công lao xây thành, chế tạo vũ khí để giữ nước kết tinh tù trí tuệ, mồ hôi, công sức của muôn dân, vì sai lầm của An Dương Vương, phút chốc tan tành. An Dương Vương đã phải bỏ cả thành trì để chạy thoát thân, đem theo Mị Châu hi vọng giữ lại một chút hạnh phúc gia đình. Nhưng nước đã mất thì nhà cũng tan, đến bước đường cùng, nhà vua cũng đã được Rùa Vàng cho biết: “kẻ nào ngồi sau ngựa chính là giặc”. Hành động của An Dương Vương tuốt kiếm tự tay chém đầu con gái là hành động trừng phạt nghiêm khắc,dứt khoát của An Dương Vương đứng về phía công lí và quyền lợi dân tộc để trừng trị kẻ đắc tội với non sông. Đặt quyền lợi của quốc gia lên trên lợi ích của gia đình, chứng tỏ nhà vua đã có sự tỉnh ngộ dù đó là sự tỉnh ngộ muộn màng, không có gì còn có thể cứu vãn, nhưng chính trong cái giờ phút thử thách quyết liệt ấy, càng khẳng định lòng yêu nước của nhà vua trước sau không thay đổi. Chính vì vậy, tuy nhà vua có mất cảnh giác chính trị để đến nỗi “cơ đồ đắm bể sâu”, nhưng trong tâm thức của dân gian, ADV vẫn mãi là một ông vua yêu nước, được nhân dân đời đời mến phục, ngợi ca. Việc không để ADV tụ tử ở biển Đông như trong sử sách mà để thần Kim Quy hiện lên trao sừng tê bảy tấc cho ADV rẽ nước đi xuống biến Đông, hoà vào cõi bất tử cùng non sông, đất nước đã khẳng định tình cảm đó cua nhân dân ta đối với nhà vua.
2, Về nhân vật công chúa Mị Châu.
Mị Châu là con gái của ADV Thục Phán, là một cô công chúa lá ngọc, cành vàng, có tâm hồn ngây thơ trong trắng, nhẹ dạ, cả tin và không có một chú gì về ý thức công dân. Xuất hiện ở phần sau của tác phẩm, Mị Châu cũng là người phải chịu trách nhiệm lớn trước bi kịch “nước mất nhà tan”.
Khi đánh giá về nhân vật này, đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau, người lên án, kẻ bênh vực.
Những người bênh vực thì đã lấy đạo “tam tòng” (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), một quan điểm đạo đức thời phong kiến để bênh vực cho nàng. Theo họ, Mị Châu là người con gái hiền thục, trọn đạo hiếu, vâng lời cha lấy chồng, lấy chồng thì một lòng tin yêu chồng. Sao có thể trách nàng mất cảnh giác với cả chồng mình được? Vì vậy việc Mị Châu không giấu giếm Trọng Thuỷ điều gì là vô tội. Nhưng họ đã quên rằng, trong một đất nước nhiều giặc giã, một nàng công chúa lại chỉ biết làm trọn chữ “tòng” mà vô tình với vận mệnh quốc gia là có tội. Mị Châu tin yêu chồng không có gì đáng trách nhưng nàng đã vi phạm nguyên tắc “bí mật quốc gia” của một người dân đối với đất nước, đặt tình riêng lên trên việc nước dù đó chỉ là do sự nhẹ dạ, vô tình. Nếu sự mất cảnh giác của ADV là nguyên nhân gián tiếp thì sự nhẹ dạ, ngây thơ của Mị Châu là nguyên nhân trực tiếp gây lên hoạ nước mất. Mị Châu tin yêu chồng bằng một tình yêu mù quáng. Nhân dân ta đã sáng tạo nên hình ảnh áo lông ngỗng là chi tiết nghệ thuật tài tình để thể hiện sáng rõ sự mù quáng đáng trách của Mị Châu. Trọng Thuỷ đánh tráo nỏ thần, trước khi về nước đã hỏi Mị Châu: “Ta nay trở về thăm cha ... làm giấu.” Mị Châu đáp: “Thiếp có ... làm dấu”. Trọng Thuỷ vừa về nước, chiến tranh hai nước xảy ra, lẫy nỏ không còn, phải lên ngựa bỏ chạy cùng vua cha, lẽ ra phải biết đó là âm mưu của Trọng Thuỷ, thế mà Mị Châu vẫn nhẹ dạ, mù quáng, không suy xét sự tình, vẫn rắc lông ngỗng làm dấu, có khác gì chỉ đường cho giặc đuổi theo mình. Việc làm đó của nàng đã trực tiếp dẫn tới bi kịch nhà tan. Vì vậy, không thể cho rằng làm một người vợ thì Mị Châu phải tuyệt đối nghe và làm theo lời chồng. Không thể cho rằng nàng là người vô tội, không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì trước bi kịch nước mất nhà tan. Tội lỗi của nàng là hết sức nặng nề. Chính vì vậy, nhân dân ta không đánh giá nàng theo quan điểm đạo đức phong kiến thông thường mà đứng trên quan điểm của quốc gia, dân tộc để kết tội nàng.Với những lỗi lầm không thể tha thứ của một người dân đối với đất nước, nhân dân ta không những đã để cho Rùa Vàng (đại diện cho công lí của nhân dân) kết tội đanh thép, không khoan nhượng gọi nàng là giặc mà còn để cho Mị Châu phải chết dưới lưỡi kiếm nghiêm khắc của vua cha.
Song thái độ, cách đánh giá của nhân dân vừa thấu tình, vừa đạt lí. Mị Châu có tội nhưng những tội lỗi mà nàng gây ra không phải là chủ ý của nàng mà do nàng quá nhẹ dạ, yêu chồng bị lừa dối mà mắc tội. Hơn nữa, cuối cùng, nàng cũng đã tỉnh ngộ nhận ra kẻ thù và chấp nhận một cái chết đau đớn. Mị Châu có tội nàng đã phải đền nhưng nỗi oan của nàng cũng cần được giải. Sáng tạo nên chi tiết thần kì, ứng nghiệm với lời cầu khấn trước khi chết của Mị Châu, nhân dân ta đã bày tỏ thái độ bao dung, niềm cảm thông mà minh oan cho nàng. Đồng thời, thông qua chi tiết thần kì đó, ông cha ta cũng thể hiện thái độ nghiêm khắc của mình và truyền lại một bài học lịch sử muôn đời cho con cháu trong việc giải quyết mối quan hệ riêng - chung.
3, Nhân vật Trọng Thuỷ.
Trọng Thuỷ là một trong ba nhân vật chính của tác phẩm. Hắn là con trai của Triệu Đà, con dể của An Dương Vương, là chồng của Mị Châu công chúa. Sang Âu Lạc theo mưu kế nham hiểm của cha mình, Trọng Thuỷ lấy Mị Châu không phải vì tình yêu mà chỉ để lợi dụng nàng thực hiện một mưu đồ chính trị, để hoàn thành nhiệm vụ gián điệp được cha hắn giao phó mà thôi. Và với danh nghĩa một người chồng, Trọng Thuỷ đã hoàn thành xuất sắc vai trò gián điệp ấy. Hắn đã lợi dụng Mị Châu, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, lừa gạt tình cảm của nàng để đánh cắp nỏ thần và nham hiểm hỏi Mị Châu một câu hỏi đầy dụng ý trước khi về nước với mục đích để biết cách tìm đường đuổi theo An Dương Vương nếu nhà vua chạy trốn. Chính những việc làm này của hắn là những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới bi kịch nước mất nhà tan của cha con ADV và nhân dân Âu Lạc. Hắn chính là kẻ thù của nhân dân Âu Lạc, là một kẻ rất đáng bị vạch mặt, lên án, tội lỗi đời đời.
Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác, Trọng Thuỷ cũng chỉ là nạn nhân của một cuộc chiến tranh xâm lược. Trong tay của Triệu Đà, Trọng Thuỷ không hơn không kém cũng chỉ là một con bài chính trị mà thôi. Hơn nữa, mặc dù là một kẻ độc ác, Trọng Thuỷ cũng không phải hoàn toàn đã mất hết nhân tính của một con người. Chính lời nói của Trọng Thuỷ với Mị Châu trong lúc chia tay, hành động tự vẫn sau chuỗi ngày sống trong sự dày vò, ân hận của hắn đã nói lên điều đó.
Trước lúc chia tay về nước dâng lẫy nỏ thần cho Triệu Đà, Trọng Thuỷ đã nói với Mị Châu: “Tình vợ chồng ... làm dấu”. Đây không hoàn toàn là những lời dối trá, lạnh lùng mà nó ẩn chứa ít nhiều tình cảm bùi ngùi, một nỗi đau li biệt.
Tính người của Trọng Thuỷ còn được thể hiện rõ hơn rất nhiều ở phần cuối cùng của tác phẩm khi tác giả dân gian miêu tả tâm trạng của Trọng Thuỷ sau cái chết của Mị Châu. Không đắm mình trong hào quang, danh vọng, trong hạnh phúc của sự thống trị uy quyền, sau khi Mị Châu chết, Trọng Thuỷ luôn sống trong nỗi niềm thương nhớ, trong nỗi ân hận dày vò và cuối cùng bế tắc, cùng đường hắn đã tự tìm cho mình cái chết. Trọng Thuỷ quyên sinh không phải chỉ là hành động sám hối cho một sai lầm mù quáng, mà còn là sự thức tỉnh của nhân tính, sự phủ nhận chiến tranh, sự từ chối mọi vinh quang quyền lực tìm về với cõi thiên thu để có được một tâm hồn thanh thản.
4, Suy nghĩ về mối tình Trọng Thuỷ - Mị Châu.
+ Mối tình Mị Châu – Trọng Thuỷ không phải là tình yêu lứa đôi đích thực.
+ Đó là một tình yêu bi kịch.
+Ý nghĩa: sáng tạo câu chuyện tình Mị Châu – Trọng Thuỷ ông cha ta nói lên tiếng nói chống chiến tranh xâm lược.
5. Hình ảnh ngọc trai – giếng nước.
- Là hình ảnh đẹp, kết tinh của mối tình thuỷ chung Trọng Thuỷ - Mị Châu? bởi viên ngọc (vốn là máu Mị Châu chảy xuống biển , trai ăn phải mà thành) đem rửa vào nước giếng (nơi Trọng Thuỷ đã nhảy xuống tự tử) thì càng trong sáng hơn. Thậm chí có nhà thơ đã từng viết: “ Nước mắt thành mặt trái của lòng tin – Tình yêu đến cùng đường là cái chết – Nhưng người đẹp dẫu rơi đầu vẫn đẹp – Tình yêu bị dối lừa vẫn nguyên vẹn tình yêu”. Có phải tình yêu bị lừa dối vẫn là một tình yêu đẹp? Và phải chăng nàng Mị Châu trong trắng, thuỷ chung dẫu chết rồi vẫn chung thuỷ không biết đến đổi thay? Trước khi chết, Mị Châu đã kịp nhận ra mình bị Trọng Thuỷ lừa dối. Hơn nữa, sự nhẹ dạ của nàng đã phải trả giá rất đắt bằng chính sinh mạng của nàng, sinh mạng của người cha thân yêu và số phận của cả dân tộc. Vì vậy, nếu có kiếp sau, liệu Mị Châu có thể tiếp tục mù quáng mà chung tình với một kẻ đã lừa mình như thế được không? Hơn nữa, trước khi chết, Mị Châu đã ý thức được tội lỗi nặng nề của mình, nặng đến mức nàng không dám xin tha chết mà chỉ xin được: “biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù”. Liệu sau một lần tỉnh ngộ, nàng còn có thể nhanh quên tội, tiếp tục thuỷ chung với kẻ thù của mình như vậy được không?
- Không phải là hình ảnh ngợi ca tình yêu Mị Châu – Trọng Thuỷ. Nó là:
+ Lời minh oan, chiêu tuyết cho Mị Châu.
+ Chứng nhận Trọng Thuỷ đã tìm được sự tha thứ trong tình cảm của Mị Châu ở thế giới bên kia.
Như vậy, “ngọc trai – giếng nước” là hình ảnh mang ý nghĩa của sự hoá giải hận thù, nói lên truyền thống ứng xử bao dung, đầy nhân hậu của dân gian đối với hai nạn nhân tỉnh ngộ muộn màng của cuộc chiến tranh xâm lược.
6, Nghệ thuật
- Xây dựng nhân vật vừa gắn với “cốt lõi sự thật lịch sử” vừa lung linh yếu tố hoang đường, kì ảo tạo nên “chất thơ và mộng” tràn đầy trong tác phẩm.
- Các chi tiết nghệ thuật, ngôn ngữ và hành động được chọn lọc để khắc sâu hình tượng nhân vật.
- Xây dựng hình ảnh nghệ thuật giàu chất tư tưởng - thẩm mĩ.
Tue Sep 18, 2012 7:54 am
[Lớp 9/9] - Admin
Họ Và Tên : Mạnh †ùng Giới tính : Tổng Số Bài Gửi : 133 Sinh Nhật : 04/09/1997 Tuổi : 27 Đến từ : Thế Giới Bên Kia Job/hobbies : Rút Hầm Cầu Huy Chương :
Tiêu đề: Re: Phân tích truyện "an dương vương và mị châu - trọng thủy"
Tiêu Đề : Phân tích truyện "an dương vương và mị châu - trọng thủy"
Tác Giả : Admin
SuperStars - Kết Nối Cộng Đồng Lớp 9/9 --------------------------------------------------
Truyện An Dương Vương và Mị Châu-Trọng Thủy liên quan đên lịch sử nước ta,nhưng có nhiều chi tiết thần kì,nên người ta gọi đây là một truyền thuyết lịch sử.Nhiều địa điểm nói đến trong truyện đã thành những di tích ngày nay còn tồn tại.An Dương Vương được nhân dân lập đền thờ.Hàng năm,nước ta mở hội Cổ Loa để tưởng nhớ Thục An Dương Vương.
Thục An Dương Vương có công tiếp nối sự nghiệp nước Văn Lang,lập nên nước Âu Lạc (tên nước ta ngày xưa).Ông xây dựng thành Cổ Loa để làm kinh đô.Việc xây thành đã được thần linh phù trợ,đặc biệt là có Rùa Vàng đến giúp,dẹp yên được bọn yêu quái.Rùa Vàng,cũng gọi là thần Kim Quy còn cho An Dương Vương cái vuốt,làm thành nỏ thần.Mỗi khi đem nỏ thần ra bắn thì hàng ngàn mũi tên đồng nhất tề được bắn ra,quân địch không sao chống nổi.Có thành trì kiên cố,có khí giới lợi hại,nước ta trở nên cường thịnh.Đó là công lao của An Dương Vương.
Thấy nước ta lớn mạnh,Triệu Đà ở phương Bắc nhiều lần cho quân sang cướp phá.Nhưng ta có nỏ thần,Triệu Đà lần nào cũng bị thua,bèn thay đổi kế hoạch,xin cùng làm thông gia với Thục An Dương Vương.Con trai của Triệu Đà,tên là Trọng Thủy,được làm rể vua Thục,lấy nàng công chúa Mị Châu.
Đêm ngày trò chuyện với vợ,Trọng Thủy gặng hỏi về nỏ thần.Mị Châu tin chồng,đã lấy trộm nỏ cho Trọng Thủy xem.Trọng Thủy bí mật đánh tráo mà Mị Châu hoàn toàn không biết.
Trọng Thủy đem nỏ về cho cha.Trước khi từ biệt,chàng còn hỏi vợ,nếu sau này nếu bị lạc nhau thì có cách gì để tìm nhau được ? Mị Châu thật thà bảo chàng là nàng có cái áo lông ngỗng,đi đâu sẽ rắc lông đến đấy cho Trọng Thủy tìm ra dấu vết.
Rồi chiến tranh xảy ra.An Dương Vương thua chạy.Nhưng chạy đến đâu,địch cũng biết đường đuổi theo.Đó là vì An Dương Vương mang con gái trên lưng ngựa,và cô gái đã rắc lông ngỗng cho quân Trọng Thủy theo đúng dấu chân của mình.Như vậy vô tình,Mị Châu đã thành người dẫn đường cho giặc.Thần Kim Quy đã hiện lên cho nhà vua biết : Giặc ở sau lưng vua đấy !.Thật là đúng,mà cũng thật là đau xót.Mị Châu đã trở thành tay sai của giặc.An Dương Vương đã chém cô con gái ngân thơ đang làm vai trò dẫn giặc ấy.Nhà vua đâm đầu xuống biển,về với biển cả mênh mông,ôm mối thù hận đau buồn này,đã nói thêm là nước rẽ ra,cho An Dương Vương đi vào Thủy phủ..Bởi lẽ An Dương Vương có sai lầm vì mất cảnh giác,vì để cơ đồ đắm biển sâu.Nhưng bản chất nhà vua là con người thành thật.Nhà vua yêu hòa bình,không muốn chiến tranh.Nàh vua muốn kết bạn (dù bạn trước đó là kẻ thù).Nhà vua rất thương con,tin rể.Đó là đức tính tốt.Vì cái tốt ấy mà nhân dân không muốn An Dương Vương chịu cái chết thảm thê.Ông đã được Long Vương đón rước.Cái chết là một hình phạt đối với ông.Nhưng ông vẫn đáng cho ta dành một tình thương.
Truyện kể rằng trước khi bị vua cha xử tội,Mị Châu cũng đã nói một lời đau xót.Lời trối trăn hy vọng ấy của nàng đã thành sự thật.Xác nàng hóa thành ngọc.Máu nàng được các loài trai dưới biển hút nên mới có ngọc trai.Rõ ràng là một cách phán xét rất công bằng của nhân dân.Dù ngây thơ,dù vô tình,Mị Châu là kẻ có tội.Nàng bị giết là nhận lấy sự trừng phạt xứng đáng.Nhưng dù có tội,nàng rất đáng thương.Phải đền bù cho nàng,cho nàng biến thành châu ngọc,ngàn năm sáng đẹp.Sự trừng phạt là công bằng,mà sự đền bù cũng là chính đáng.
Trọng Thủy là một tên gián điệp,nhưng cũng là một con người.Những ngày trước,phải làm nhiệm vụ cha giao cho,anh ta đã nhúng tay vào tội ác.Lúc đó,anh ta phạm đủ thứ xấu xa : anh ta là một tên ăn cắp,một đứa lừa đảo.Những lời nói tình nghĩa của anh ta chỉ là những lời lừa dối mà thôi.Mị Châu càng ngây thơ,thì Trọng Thủy lại càng hèn hạ.Nhưng khi gặp xác chết của Mị Châu thì con người thực ở trong anh ta mới hiện ra.Lúc ấy anh ta mới biết mình là kẻ giết vợ,là đứa phản phúc xấu xa.Anh ta đem vợ về Loa Thành chôn cất,và nhảy xuống giếng tự tử ngay cạnh mộ nàng.Tìm đến cái chết,Trọng Thủy đã tự trừng phạt mình một cách xứng đáng.Chiến tranh,thắng lợi chỉ thỏa cái lòng tham của Triệu Đà mà thôi,chứ tất cả đều mất hết.Trọng Thủy cũng chẳng còn gì nữa,chỉ còn lòng hối hận,còn sự cô đơn.Anh ta chết đi là rất đúng.
Truyện được kết thúc bằng một hình ảnh đầy ý nghĩa.Sau này người ta lấy nước giếng Cổ Loa-cái giếng mà Trọng Thủy nhảy xuống tự tử-đem rửa ngọc trai thì ngọc trai sẽ sáng ra.Phải như thế mới làm đẹp thêm sự ngây thơ trong trắng của Mị Châu.Nhà thơ Tản Đà có làm bài thơ về truyện cổ tích này,kết thúc bằng câu :
"Ngọc trai giếng nước Nghìn thu khói nhang".
chính là đã hiểu sâu sắc truyện Mị Châu-Trọng Thủy.
Thời kì Văn Lang Âu Lạc ( thời kì dựng nước) đã để lại cho gia tài văn hoá tinh thần Việt Nam nhiều thần thoại , truyền thuyết có giá trị lớn.
Thần thoại và truyền thuyết thời kì này thể hiện tập trung , nổi bật hai nội dung: dựng nước và giữ nước. Nếu như nhóm truyền thuyết xung quanh vua Hùng thể hiện nội dung dựng nước thì truyền thuyết chung quanh Thục An Dương Vương lại đưa ra một cách cắt nghĩa về sự thắng lợi và thất bại của vua Thục trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhận thức được giá trị to lớn của những tác phẩm dân gian này trong đời sống tinh thần tư tưởng của người Việt nên trong những thế kỉ đầu tiên của nền độc lập dân tộc các trí thức nước ta đã bỏ nhiều công sức sưu tầm, ghi chép lại bằng văn bản. Những người có công đầu là Lí Tế Xuyên ( với cuốn Việt điện u linh) và Trần Thế Pháp ( với cuốn Lĩnh Nam chích quái) . Cuối thế kỉ XV, Vũ Quỳnh và Kiều Phú đã tiếp tục công việc của Trần Thế Pháp hoàn chỉnh cuốn Lĩnh Nam chích quái và lưu truyền đến ngày nay. Nhiều nhà nghiên cứu văn học dân gian và sử học nước ta đã nhất trí coi coi các thần thọai và truyền thuyết sau đây là những truyện có giá trị lớn nhất: Truyện Họ Hồng Bàng; Truyện Thần núi Tản Viên; Truyện Thánh Gióng; Truyện Rùa Vàng. Và cho rằng truyện Rùa vàng gắn liền với nhân vật lịch sử An Dương Vương, với di tích lịch sử thành Cổ Loa với câu chuyện tình Mị Châu Trọng Thuỷ là một truyện li kì , phức tạp biểu hiện một trình độ phát triển của xã hội và con người Việt Nam và để lại một bài học lịch sử xương máu cho muôn đời sau.
1- Về nhân vật Thục An Dương Vương.
Theo Lĩnh Nam chích quái, Thục Phán là một vị vua trẻ của nước Âu Việt, sau khi chiếm được nước Văn Lang của các vua Hùng lập nên nước Âu Lạc, định đô ở đất Việt Thường ( Cổ Loa) và gấp rút xây thành để giữ nước. Như vậy, việc dời đô từ vùng trung du (Lâm Thao, Phú Thọ ) xuống đồng bằng là một việc làm sáng suốt, một biểu hiện của sự phát triển lớn mạnh của nhà nước Âu Lạc so với nhà nước Văn Lang và Âu Việt cũ. Trong công cuộc xây thành Cổ Loa dù nhà vua đã bỏ nhiều trí lực nhưng ban đầu hễ thành đắp đến đâu lại lở đến đấy. Sau nhờ sứ Thanh Giang giúp đỡ, vua đã diệt được các loài yêu tinh phá hoại. từ đó , thành chỉ xây trong nửa tháng là xong.
Theo quan điểm xưa, muốn thành công trong việc lớn lẫn việc nhỏ, người hành sự phải hội đủ ba yếu tố thiên thời , địa lợi , nhân hoà. Truyền thuyết còn kể lại việc Thánh Tản Viên khuyên vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán, phải chăng đó là thiên cơ , thiên thời đã hướng về Thục vương . Chọn được đất định đô lâu dài , kiên cố, đó là được địa lợi. Thành xây mà đổ phải chăng Vua chưa được chữ nhân hoà. Vua trai giới , cầu đảo bách thần phải chăng là một sự điều chỉnh chính sự để được chữ nhân hoà quý báu ấy. Việc thần Rùa Vàng giúp vua xây thành phải chăng đã phản ánh hiệu quả tốt đẹp của sự điều chỉnh chính sự theo hướng thuận nhân tâm.
Đất nước yên bình có thành luỹ kiên cố , nhà vua ước ao có được thứ vũ khí thần diệu để bảo vệ. Đó là một ước vọng chính đáng. Thần Rùa vàng đã đáp ứng nguyện vọng ấy của vua: tháo vuốt tặng vua làm lẫy nỏ Linh Quang. Tầm nhìn xa trông rộng và ý thức bảo vệ giang san của Thục Vương thật đáng cho chúng ta khâm phục và ghi nhớ. Quân Triệu Đà đã nhiều lần thảm bại trước chân thành Cổ Loa vì thứ vũ khí lợi hại của Âu Lạc. Vũ khí thần diệu một phát bắn ra có thể giết chết hàng trăm tên địch đó phải chăng là đường lối quân sự , quốc phòng đúng đắn dựa trên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc .
Nhưng tai hoạ cũng từ dó mà ra. Quá tin vào tiềm lực quốc phòng của mình, nhà vua đã lơ là mất cảnh giác trước âm mưu của Triệu Đà. Sau nhiều lần thất bại thảm hại nhưng Đà vẫn chưa thôi giấc mộng thôn tính Âu Lạc, mở rộng giang sơn cát cứ của mình. Thục An Dương Vương sơ xuất không nhận ra dã tâm đó hoặc có nhận ra nhưng vì quá chủ quan, khinh địch nên đã nhận lời thuận cho Trọng Thuỷ lấy con gái yêu của mình là Mị Châu, lại còn thuận cho ở rể luôn trong thành Cổ Loa. Tướng quân Cao Lỗ đã hết sứcc an ngăn vua nhưng Vua nhất quyết không nghe . Kết cục, Trọng Thuỷ có cơ hội lợi dụng tình cảm của vợ, đánh tráo lẫy nỏ- móng rùa thần.
Thái độ chủ quan , khinh địch của Vua Thục còn thể hiện rõ ở việc dù quân Triệu Đà đã tiến sát đến chân thành Cổ Loa song vua vẫn điềm nhiên ngồi đánh cờ, cười mà nói rằng: Đà không sợ nỏ thần sao?. Cho đến khi thất bại bỏ chạy Vua cũng không nhận ra vì sao nỏ thần hết hiệu nghiệm , vì sao lại thất bại. Câu nói tuyệt vọng Trời hại ta bên bờ biển đã cho ta thấy rõ tình trạng ấy! Đến khi sứ Thanh Giang hiện lên thét lớn Kẻ ngồi sau ngựa chính là giặc đó. Vua mới tỉnh ngộ . Một sự tỉnh ngộ đầy cay đắng . Vua liền chém chết đứa con gái yêu và cầm sừng tê rẽ nước về với Long vương. Thái độ của nhân dân đối với Vua Thục vừa phê phán vừa tôn kính nên đã sáng tạo ra chi tiết này chăng? ( Theo gợi ý của nhà thơ Nguyễn Đình Thi khi ông cho rằng phải chăng nhân dân không muốn nói Phù Đổng Thiên Vương chết trận nên đã sáng tạo ra kết cục Phù Đổng thiên Vương và ngựa phi lên trời; không đành lòng để Vũ Nương chết thảm nên đã sáng tạo tình tiết Vũ nương thành thần tiên dưới Thuỷ cung).
Qua hình tượng An Dương vương, tác giả dân gian đã thể hiện thật sâu sắc ý tưởng: Người đứng đầu đất nước chẳng những cần được nhân dân hết lòng ủng hộ mà còn phải hết sức cảnh giác đề phòng hữu hiệu đối với các thế lực ngoại xâm, thiếu sự cảnh giác đó thì nước mất nhà tan.
2- Về nhân vật Mị Châu :
Nhà thơ Tố Hữu đã nhận xét về nhân vật Mị Châu: Trái tim lầm chỗ để trên đầu/ Nỏ thần vô ý trao tay giặc / Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu.
Quả thật Mị Châu có đặt tình cảm ( trái tim) lên trên lí trí ( đầu) , dẫn đến hậu quả khôn lường ( Cơ đồ đắm biển sâu). Vua Thục và Mị Châu đều có lỗi trước lịch sử. Tuy nhiên , các tác giả dân gian đã dành cho nhân vật nữ nầy một sự đánh giá đầy bao dung nhân hậu. Mị Châu ý thức được sự mất cảnh giác nghiêm trọng của mình nên chấp nhận cái chết một cách dũng cảm nhưng Mị Châu không chủ tâm phản bội cha , phản bội dân tộc. Lời khấn khứa cuối cùng của nhân vật vang lên thật thống thiết Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại lại cha, chết đi sẽ biến thành hạt bụi. Nếu có lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì chết đi sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù. Tác giả dân gian đã thật nhân hậu bao dung trong sáng tạo hình tượng Mị Châu chết ở bờ bể , máu chảy xuống nước, trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu, Trọng Thuỷ ôm xác vợ đem về táng ở Loa Thành, xác biến thành ngọc thạch, Người đời sau nhân kiêng tên Mị Châu cho nên gọi ngọc minh châu là đại cữu , tiểu cữu. Giáo sư Lê Trí Viễn đã có lời bình xác đáng như sau: Mị Châu có tội với đất nước nên bị trừng phạt, đó là trách nhiệm trước lịch sử, nhưng tấm lòng Mị Châu là trong trắng, Mị Châu chỉ ngây thơ và dại dột, cho nên tấm long của nhân dân không nỡ để Mị châu mất đi trong đen tối, mà cho Mị Châu biến thành ngọc trai trong suốt để nàng nói lên với vĩnh viễn chút lòng trong trắng của mình. Và GS kết luận: Đó là những biểu hiện đầu tiên và tốt đẹp của tư tưởng nhân đạo thời cộng đồng..
3- Về nhân vật Trọng Thủy :
Trước hết cần phải thấy động cơ hôn nhân của Trọng Thuỷ là động cơ chính trị đen tối. Lợi dụng tình cảm của vợ , Trọng Thuỷ đã dỗ Mị Châu cho xem trộm nỏ thần rồi ngầm làm một cái lẫy nỏ khác thay vuốt rùa vàng, nói dối là về phương bắc thăm cha. Tình tiết ấy, Trọng Thuỷ không thể chối tội trước tình cảm ngây thơ trong trắng của Mị Châu trước sự phán xét của muôn đời trên giác độ tình yêu.
Tuy nhiên có một tình tiết cần phải nhìn nhận cho có tình có lí , Đó là tình tiết Trọng Thuỷ tâm sự với vợ Tình vợ chồng không thể lãng quên , nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Ta nay trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất hoà bắc nam cách biệt, tìm nàng lấy gì làm dấu . Để rồi Mị châu ngây thơ nói ra kế rắc lông ngỗng ở những chỗ ngả ba đường để có thể cứu được nhau. Tình tiết này có hai cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất là Trọng Thuỷ cố ý đuổi cùng , giết tận. Cách hiểu thứ hai cho rằng qua bao tháng ngày chung sống , mặc dù Trọng Thuỷ âm thầm thực hiện dã tâm của cha nhưng trong lòng chàng không thể không có tình cảm sâu nặng với người vợ trẻ xinh đẹp , dịu dàng, hiền thục , ngây thơ , trong sáng nên chàng lo liệu trước việc tìm nhau sau trận can qua. Còn lúc ấy chàng cũng không nghĩ đến độc kế đuổi cùng giết tận. Sau trận chiến đẫm máu Trọng Thuỷ đã ôm xác vợ về táng ở Loa Thành cho được gần gũi sớm hôm chăm sóc, với lòng thương tiếc khôn cùng rồi ngẩn ngẩn ngơ ngơ khi đi tắm tưởng như thấy bóng dáng Mị Châu , bèn lao đầu xuống giếng mà chết. Đặc biệt là chi tiết kết thúc truyện người đời sau mò ngọc ở biển Đông lấy nước giếng này mà rửa thì thấy trong sáng. Như vậy phải chăng cặp uyên ương này cũng chỉ là nạn nhân bị lợi dụng, vừa đáng thương vừa đáng giận, trong dã tâm xâm lược của Triệu Đà. Thái độ của nhân dân ta trước bi kịch lịch sử này tưởng cũng khá rõ ràng.
Tóm lại, truyện Rùa vàng đã đạt đến một trình độ nghệ thuật rất cao, mang tính chất đa thanh , đa nghĩa, rất hấp dẫn đối với các thế hệ người dân Việt Nam. Mỗi hình tượng nhân vật đều gợi mở ở người đọc mọi thời đại nhiều ý nghĩa lí thú. Những vấn đề sinh tử trong sự nghiệp giữ nước lại ***g kết trong một câu chuyện tình cảm lứa đôi đầy âm hưởng bi tráng. Qua câu chuyện, hai tư tưởng lớn trong truyền thống văn học Việt Nam là tư tưởng yêu nước và tư tưởng nhân đạo đã quyện hoà một cách khăng khít . Nhân dân quả đã vừa ngợi ca, vừa phê phán, vừa cảm thông đối với những nhân vật lịch sử đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng dẫn đến những trang bi thương trong lịch sử nước nhà. Thái độ và tình cảm yêu ghét ở đây vừa dứt khoát , rạch ròi vừa thấm đẫm tính chất bao dung nhân hậu được thể hiện một cách nghệ thuật qua nhiều chi tiết đặc sắc và độc đáo.
Tue Sep 18, 2012 7:56 am
[Lớp 9/9] - Admin
Họ Và Tên : Mạnh †ùng Giới tính : Tổng Số Bài Gửi : 133 Sinh Nhật : 04/09/1997 Tuổi : 27 Đến từ : Thế Giới Bên Kia Job/hobbies : Rút Hầm Cầu Huy Chương :
Tiêu đề: Re: Phân tích truyện "an dương vương và mị châu - trọng thủy"
Tiêu Đề : Phân tích truyện "an dương vương và mị châu - trọng thủy"
Tác Giả : Admin
SuperStars - Kết Nối Cộng Đồng Lớp 9/9 --------------------------------------------------
"Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu Trái tim nhầm chỗ để trên đầu Nỏ thần vô ý trao tay giặc. Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu" (Tố Hữu - Tâm sự)
An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy là truyền thuyết đẹp của người xưa với chủ đề dựng nước và giữ nước, để lại cho đời sau bài học cảnh giác chính trị sâu sắc và thấm thía. Nhưng có phải câu chuyện chỉ chứa dựng một tấn bi kịch là mất nước hay không? Theo tôi câu chuyện là sự đan xen giữa cả hai bi kịch mất nước và tình yêu. Chính khi bi kịch mất nước đã tạo nên bi kịch tình yêu và bi kịch tình yêu đã mở đường cho bi kịch mất nước.
Cả hai tấn bi kịch bắt đầu khi An Dương Vương để tình riêng lấn át tầm nhìn của một đấng minh quân. Vua cho Trọng Thủy về ở rể mà chẳng mảy may nghi ngờ không chút cảnh giác chính vì thế vua đã để Trọng Thủy có cơ hội mang mầm tai họa vào bén rễ trong Loa Thành. Sự mất cảnh giác đã cuốn vua vào bi kịch mất nước do chính tay mình tạo nên; nhưng hậu quả đâu chỉ dừng lại ở đó, chính An Dương Vương đã đẩy con gái là công chúa Mị Châu vào con đường bi kịch tình yêu.
Truyền thuyết ghi lại bởi người đời sau ngắn gọn, nhưng cốt lõi của bi kịch khá rõ ràng: mối quan hệ thông gia giữa hai nhà vốn dĩ đối địch đã tiềm ẩn những bất trắc khó lường. Vậy mà An Dương Vương lại " vô tình" gả con gái yêu cho con trai kẻ thù. Theo mạch kể của truyền thuyết không có lí giải nguyên nhân sâu xa khiến Mị Châu tiếp tay cho Trọng Thủy cướp mất nỏ thần Kim Quy. Mị Châu rõ ràng đã quá yêu và tin Trọng Thủy đến với mình bằng tình yêu chân thành vì vậy nàng đã nghe theo mọi lời nói của y. Nếu xét dưới góc độ của một thần tử, nàng mang tội đáng chết vì một thần tử mà dám đem bí mật quân sự quốc gia ra nói với người khác, nhất là khi đó lại là con trai của kẻ thù. Đáng trách hơn, Mị Châu bị tình yêu làm mờ lí trí đến nỗi chẳng còn đủ tỉnh táo để nhận ra những ẩn ý trong lời nói của Trọng Thủy khi từ biệt để cảnh báo với vua cha. Nàng không còn đủ tỉnh táo để nhận ra trong lời chồng tiềm ẩn hiếm họa binh đao: "Ta nay về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất hòa bắc nam chia cắt, ta tìm lại nàng biết lấy gì làm dấu?" Mị Châu mê muội đến mức không biết hỏi nguyên cớ chia lìa, lại chỉ chăm chăm nghĩ về sự đoàn tụ lứa đôi. Rồi ngay cả khi giặc của Triệu Đà đuổi đến nơi nàng vẫn chẳng chịu trở về với thực tại, mãi đắm mình trong cơn mộng mị, vẫn còn rắc lông ngỗng làm dấu cho Trọng Thủy đuổi theo. Đặt tình riêng lên trên vận mệnh quốc gia như vậy quả là vô cùng đáng trách, đáng phê phán. Nhưng nếu nhìn dưới góc độ của một người con gái bình thường đang yêu một cách cuồng nhiệt thì quả thật Mị Châu đã làm tròn trách nhiệm với con tim của mình. Dù cho có mù quáng đi chăng nữa thì tình yêu của Mị Châu thật đẹp đẽ và trong sáng. Nàng yêu hết mình và hiến dâng tất cả cho người mình yêu. Chính vì lẽ đó mà Mị Châu trở thành thủ phạm góp phần làm nên tấn bi kịch mất nước đồng thời nàng cũng là nạn nhân "bất đắc dĩ" của tấn bi kịch tình yêu. Mị Châu chẳng làm tròn chữ trung chữ hiếu, nàng chỉ để lại duy nhất cho đời riêng một chữ tình mà thôi.
Đằng sau câu chuyện tình yêu của Mị Châu - Trọng Thủy là cả một âm mưu về chính trị thâm hiểm của Triệu Đà và không ai khác kẻ trực tiếp thực hiện âm mưu đó lại chính là Trọng Thủy. Ngay từ khi bước chân vào Loa Thành y đã lộ nguyên hình là tên nội gián thâm độc, y luôn đặt nhiệm vụ gián điệp lên hàng đầu. Bỉ ổi hơn, y lợi dụng luôn cả người vợ ngây thơ để thực hiện gian kế. Xét về bản chất Trọng Thủy là một kẻ tham lam và gian trá. Chính điều đó giúp y hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, y đã làm tròn cả chữ trung lẫn chữ hiếu. Nhưng đáng tiếc thay Trọng Thủy lại lỡ đánh rơi mất chữ tình. Trái với Mị Châu, Trọng Thủy để cái đầu lạnh làm nguội trái tim mình. Những hành động đầy toan tính của y giúp y tạo nên cái bẫy đưa cha con Mị Châu vào bi kịch mất nước nhưng từ thủ phạm hắn biến thành nạn nhân của chính mình trong tấn bi kịch tình yêu.
An Dương Vương mất nước từ sự thiếu cảnh giác, khinh địch của mình. Bản thân vua mong mỏi sự hòa bình giữa hai quốc gia, chấm dứt cảnh chiến tranh loạn lạc từ tình yêu con trẻ. Nhưng trớ trêu thay điều đó lại tạo nên khe hở cho những toan tính của cha con Triệu Đà len lỏi vào. Bản thân An Dương Vương cũng phải gánh chịu bi kịch khi phải tuốt gươm trừng phạt kẻ phản bội là chính con gái yêu của mình. Nhà vua đứng trên quyền lợi quốc gia mà gạt bỏ tình riêng, hành động ấy rất được nhân dân coi trọng qua cách xử lí của dân gian: Rùa vàng rẽ nước cho vua xuống biển. Mị Châu phải trả giá cho sự nông nổi của mình nhưng nàng cũng kịp thức tỉnh để nhận ra bi kịch đau đớn. Một người con gái ngây thơ trong trắng đáng yêu bị phản bội, cuối cùng đã nhận ra kẻ thù dù đã quá muộn màng. Cái nhìn nhân hậu của nhân dân ta đã dành cho Mị Châu khi đã để nàng hóa thành ngọc thạch, máu hóa thành ngọc trai ở biển đông. Mị Châu thật đáng trách nhưng cũng thật đáng thương. Truyền thuyết không chỉ kể lại trang sử mất nước mà còn chứa đựng cả cái nhìn thương cảm cho lứa đôi - khi tình yêu phải đối mặt với âm mưu.
Trọng Thủy đã phải trả giá cho sự lừa dối khi hắn chỉ còn mang được xác Mị Châu về chôn cất. Với kẻ cướp nước, nhân dân ta không để cho hắn chiếm đoạt và tiếp tục lừa phỉnh Mị Châu. Nhưng điều đáng nói ở đây là cái chết lao đầu xuống giếng của Trọng Thủy và kết thúc câu chuyện: "Người đời sau mò được ngọc trai ở biển Đông lấy nước giếng mà rửa thì thấy trong sáng thêm". Sự lừa dối của Trọng Thủy là lời cảnh tỉnh người đời: Chỉ có tình yêu chân thành mới được đền đáp xứng đáng, tình yêu không bao giờ đồng hành với những âm mưu toan tính thấp hèn, với tham vọng cướp nước.
Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy muôn đời vẫn còn giá trị từ ý nghĩa nhân văn, từ bài học cảnh giác đến lời nhắc nhở về cách giải quyết cái chung và cái riêng, việc nước và việc nhà. Truyền thuyết ấy như ta vẫn biết chứa đựng bài học mất nước sâu sắc, bài học mất nước là chính và không ai có thể phủ nhận, nhưng chỉ nhắc đến bi kịch mất nước thôi là chưa đủ mà còn ẩn sâu bi kịch tình yêu còn nhiều tranh cãi...
Tue Sep 18, 2012 11:06 pm
[Lớp 9/9] - yencandy
Họ Và Tên : Thị yến Giới tính : Tổng Số Bài Gửi : 50 Sinh Nhật : 17/02/1997 Tuổi : 27 Đến từ : Xứ sở kẹo ngọt Job/hobbies : ăn chơi Huy Chương :
Tiêu đề: Re: Phân tích truyện "an dương vương và mị châu - trọng thủy"
Tiêu Đề : Phân tích truyện "an dương vương và mị châu - trọng thủy"
Tác Giả : yencandy
SuperStars - Kết Nối Cộng Đồng Lớp 9/9 --------------------------------------------------
dc do
[Lớp 9/9] - Sponsored content
Tiêu đề: Re: Phân tích truyện "an dương vương và mị châu - trọng thủy"
Tiêu Đề : Phân tích truyện "an dương vương và mị châu - trọng thủy"
Tác Giả : Sponsored content
SuperStars - Kết Nối Cộng Đồng Lớp 9/9 --------------------------------------------------
Phân tích truyện "an dương vương và mị châu - trọng thủy"